Cách bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng

Để có thể sinh trưởng và phát triển một cách tốt nhất, cây trồng cần tổng hợp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Thiếu dinh dưỡng cây sẽ không thể hoàn thành vòng đời của mình. Thiếu dinh dưỡng cây sẽ không thể phát triển được rễ, thân cành lá và hoa một cách đầy đủ. Thiếu dinh dưỡng cây sẽ còi cọc, vàng lá, đề kháng kém, dễ bị nấm bệnh xâm nhiễm.

1. Các chất dinh dưỡng thiết yếu của cây trồng

Để hoàn thành vòng đời, cây trồng cần 17 chất dinh dưỡng thiết yếu, mỗi chất cây cần một lượng khác nhau. Ba chất quan trọng nhất của cây là cacbon (C), hydro (H) và oxy (O) được lấy từ không khí và nước chiếm 94% trọng lượng cây. 6% trọng lượng còn lại của cây bao gồm 14 chất dinh dưỡng đến từ đất.

14 chất dinh dưỡng này bao gồm nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K) là các chất đa lượng cơ bản. Magiê (Mg), canxi (Ca) và lưu huỳnh (S) là các chất dinh dưỡng đa lượng thứ cấp. Tám nguyên tố còn lại là Boron (B), Clo (Cl), đồng (Cu), sắt (Fe), mangan (Mn), molypden (Mo), niken (Ni) và kẽm (Zn). Đây là các chất vi lượng, cây không cần nhiều nhưng nếu thiếu sẽ ảnh hưởng đến hương vị, chất lượng của nông sản.

17 chất dinh dưỡng thiết yếu của cây trồng
Các chất dinh dưỡng thiết yếu của cây trồng

2. Biểu hiện thiếu dinh dưỡng và cách bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây

2.1. Các chất dinh dưỡng đa lượng

Biểu hiện thiếu đạm, lân, kali từ trái qua phải

Đạm (N)

Đạm là chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong quá trình phát triển của cây trồng. Đạm là một yếu tố thiết yếu trong chất diệp lục. Cây trồng sử dụng đạm dưới dạng amoni hoặc nitrat. Đạm trong hợp chất hữu cơ cần phải qua quá trình chuyển hóa của vi sinh vật thì cây mới có thể hấp thu.

Thiếu đạm khiến các lá già bị vàng, dựng đứng, các lá khác có màu xanh nhạt. Lá nhỏ, rụng sớm, cành khẳng khiu, cây không phát triển.

Lân (P)

Lân (P) là nguồn nhiên liệu cho quá trình trao đổi chất của cây. Lân rất quan trọng trong quá trình quang hợp. Lân thúc đẩy sự hình thành và tăng trưởng của rễ, ảnh hưởng đến chất lượng của hoa, trái và hạt. Ngoài ra lân còn giúp tăng khả năng kháng bệnh cho cây.

Lân trong đất chủ yếu ở dạng cây trồng khó hấp thụ, nhất là đất có độ pH quá thấp hoặc quá cao. Thiếu lân, lá cây có màu xanh sạm, các lá già bị cháy ở ngọn, dễ rụng. Cây còi cọc, thân cành yếu, rễ không phát triển, quả chậm lớn.

Kali (K)

Kali rất cần thiết cho quá trình quang hợp và phản ứng enzyme. K làm tăng sức sống, giúp cây trồng cứng cáp hơn và tăng khả năng kháng bệnh của cây. Giúp hình thành và di chuyển tinh bột, đường và dầu trong cây, giúp lá, thân và trái cây ngon ngọt hơn.

Thiếu kali khiến lá mất màu xanh, xuất hiện những đốm màu vàng nhạt, sau đó chuyển dần sang màu vàng đồng. Mép lá và chóp lá uốn cong xuống. Cây còi cọc, rễ không phát triển, thân yếu, dễ đổ.

Cách bổ sung các chất dinh dưỡng đa lượng chính:

Đối với đạm, bổ sung nhanh bằng phân đạm cá, phân đậu tương. Bổ sung nhiều phân chuồng ủ hoai để cây trồng có thể hấp thu trong thời gian dài. Nếu bón trực tiếp bằng các loại phân khoáng thì bón với lượng rất nhỏ. Bởi nitrat dễ bị rửa trôi khi mưa lớn khiến pH đất giảm. Hoặc bà con có thể trồng xen canh các loại cây họ đậu như muồng vàng, đậu xanh,… giúp cố định nitơ trong không khí để cung cấp cho cây trồng.

Đối với lân, cần cung cấp lân cho cây bằng đá phốt phát (lân nung chảy) hoặc các vật chất hữu cơ chứa nhiều lân như bột xương, phân dơi, phân chuồng, cây phân xanh. Lưu ý: Để cây trồng hấp thụ lân một cách hiệu quả nhất bà con cần cân bằng độ pH đất. Đồng thời bổ sung thêm các vi sinh vật phân giải lân.

Đối với kali, để bổ sung kali cho cây, bà con bón các loại kali hữu cơ như K-humate, phân chuồng, phân ủ từ chuối hay cây phân xanh như dã quỳ, cỏ lào,… Nếu bón kali khoáng chỉ nên bón với một lượng rất nhỏ để tránh dư thừa làm chai cứng đất và làm thiếu hụt Mg.

2.2 Các chất dinh dưỡng thứ cấp

Biểu hiện thiếu magie, lưu huỳnh và canxi

Magiê (Mg)

Magiê là thành phần chính của chất diệp lục, rất quan trọng cho quá trình quang hợp và hoạt động của các enzyme thực vật. Thiếu magie khiến lá chuyển vàng dần từ chóp lá đến mép lá cho đến khi chỉ còn phần gân chính và phần gốc của lá có màu xanh lục. Cây còi cọc, lá cong và nhăn nheo, trường hợp thiếu Mg trầm trọng khiến lá vàng hoàn toàn và rụng.

Lưu huỳnh (S)

Lưu huỳnh là một phần quan trọng trong quá trình tổng hợp protein, phát triển enzyme. Lưu huỳnh giúp tăng khả năng chịu lạnh của cây. Đây cũng là nguyên tố tạo nên hương thơm và vị ngon của nông sản. Thiếu lưu huỳnh khiến lá non vàng trong khi lá già vẫn xanh, lá nhỏ hơn và dễ chết non. Rễ và thân kém phát triển.

Canxi (Ca)

Canxi là thành phần chính của thành tế bào thực vật và hỗ trợ vận chuyển các khoáng chất thiết yếu khác của cây. Canxi cần thiết cho sức khỏe của rễ, sự phát triển của rễ mới và lông rễ, và sự phát triển của lá, vỏ cây, vỏ trái. Thiếu canxi khiến diệp lục dọc theo mép lá và giữa các gân chính mờ dần. Chồi non mất màu xanh, cong và chết dần ở chóp lá và mép lá. Cây còi cọc, chồi không phát triển, rễ ngắn, chuyển sang màu đen, đáy quả bị nứt, thối, rụng sớm.

Cách bổ sung các chất dinh dưỡng đa lượng thứ cấp:

Để bổ sung magie và canxi nên ưu tiên bón vôi dolomite (CaMg(CO3)2) để cải tạo đất. Lưu huỳnh có nhiều trong phân hữu cơ, nhưng dễ bị rửa trôi. Để bổ sung S cho cây, cần bón nhiều các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân ủ,…

Ngoài ra, nếu muốn bổ sung nhanh đầy đủ tất cả các chất trung vi lượng giúp phục hồi cây một cách nhanh chóng chúng ta có thể sử dụng thêm phân bón trung vi lượng cao cấp Sao đỏ.

2.3 Các chất dinh dưỡng vi lượng

Biểu hiện thiếu kẽm, mangan và sắt

Kẽm (Zn):

Kẽm là thành phần của enzyme, cần thiết cho sự cân bằng hormone thực vật và hoạt động của auxin. Thiếu kẽm khiến cho bộ lá bị hẹp và nhỏ, phiến lá mất màu xanh, gân lá vẫn xanh, có các vết đốm chết nhỏ màu xám đen trên lá. Lá méo mó nhăn nheo.

Mangan (Mn):

Mangan tham gia sản xuất lục lạp, tham gia vào các phản ứng trao đổi chất của cây và giúp kích hoạt các enzyme. Thiếu Mn khiến màu của lá trở nên xanh xám hoặc xanh vàng dọc theo gân giữa và các gân chính bên chuyển sang nhợt nhạt và xỉn màu đối với các vùng giữa lá. Xuất hiện đầu tiên trên các lá non, sau đó lan dần sang các lá già.

Sắt (Fe):

Sắt là thành phần của các enzyme, cần thiết cho quá trình tổng hợp chất diệp lục và quang hợp. Thiếu sắt khiến các lá non có màu xanh nhạt đến vàng, gân lá vẫn còn màu xanh. Trường hợp thiếu hụt Fe nặng, lá chuyển vàng trắng, phần mép và ngọn bị cháy xém.

cách bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng
Biểu hiện thiếu B, Cu và Mo

Boron (B):

Boron đóng vai trò trong quá trình vận chuyển đường, phân chia tế bào và sản xuất acid amin. Thiếu B khiến chồi ngọn mới ra bị chết, mọc các chồi bên. Lá non dày xù xì, úa vàng. Xuất hiện gỉ sét trên thân, rễ không phát triển, quả không kết hạt.

Đồng (Cu):

Cu là thành phần của các enzyme, tham gia vào quá trình quang hợp. Thiếu Cu khiến cấy mất màu xanh giữa các gân lá. Lá thường xuyên héo rũ, dễ rụng. Lá non nhỏ, biến dạng.

Molypden (Mo):

Mo tham gia vào quá trình chuyển hóa ni tơ. Thiếu Mo khiến các lá bánh tẻ úa màu, mép lá cháy xém và cuốn vào.

Cách bổ sung các chất dinh dưỡng vi lượng:

Các chất vi lượng có nhiều trong phân chuồng ủ hoai, phân xanh, phân ủ. Tuy nhiên, đối với cây đang cho thu hoạch tình trạng thiếu vi lượng sẽ xảy ra thường xuyên do đó để đảm bảo được chất lượng nông sản cần bổ sung phân trung vi lượng Sao đỏ định kỳ 1 năm 2 lần hoặc phun Phân bón lá A4 amino acid ở các thời kỳ dưỡng đọt, nuôi hoa, trái non,…

>> Bấm vào tên sản phẩm để đặt mua và tìm hiểu thêm thông tin

Lưu ý:

Các chất dinh dưỡng vi lượng thường có một lượng sẵn trong đất, tuy nhiên cây trồng khó hấp thu được nếu đất thoát nước kém, thiếu oxy, tuyến trùng tấn công rễ, pH đất không ổn định. Sự hữu dụng của các chất dinh dưỡng trong đất phụ thuộc vào các yếu tố: Nhiệt độ đất, độ ẩm, không khí, độ pH đất.

Để bổ sung các chất dinh dưỡng với chi phí thấp nhất và cây trồng có thể hấp thu dinh dưỡng một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất, cấu trúc đất trồng phải tơi xốp, giàu hữu cơ, pH ổn định, độ ẩm cân bằng. Nên bổ sung thêm các chủng vi sinh vật có lợi giúp phân giải hữu cơ, đối kháng nấm bệnh, giải độc để cải tạo đất thường xuyên. Đặc biệt là thời điểm trước và sau thu hoạch.

Tìm hiểu thêm:

Cách ủ phân cá đơn giản nhanh chóng không mùi hôi

Các nguồn lân hữu cơ mà nhà vườn canh tác thuận tự nhiên nên sử dụng

4 nguồn kali hữu cơ từ tự nhiên thay thế cho kali tổng hợp

5 nguồn đạm hữu cơ thay thế cho đạm vô cơ tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh