Các tiêu chí để được cấp mã số vùng trồng

1. Mã số vùng trồng là gì?

Mã số vùng trồng (PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản.

Đây là một trong những tiêu chí đầu tiên để nông sản xuất khẩu đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

2. Các tiêu chí để cấp mã số vùng:

2.1. Yêu cầu diện tích và điều kiện canh tác trong vùng trồng:

– Diện tích vùng trồng đối với cây ăn quả tối thiểu là 10ha, các cây trồng khác còn tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu;

–  Vùng trồng trái cây xuất khẩu canh tác phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương;

–  Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, hạn chế chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng;

–  Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả;

–  Không trồng xem các loại cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây ký chủ của các loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).

2.2. Yêu cầu về nhật ký canh tác:

– Vùng trồng phải có nhật ký canh tác để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…).

–  Vùng trồng có nhiều hộ canh tác thì mỗi hộ phải có 1 sổ nhật ký canh tác riêng, người đại diện của vùng trồng sẽ tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại….).

2.3. Yêu cầu về vệ sinh trên đồng ruộng:

– Xung quanh và bên trong vùng trồng phải vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác khác;

– Phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng.

2.4. Yêu cầu về thành phần dịch hại trong vùng sản xuất:

– Vùng trồng trái cây chỉ được cấp mã khi không có loài dịch hại nào là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) hoặc tổ chức/cá nhân xin cấp mã phải có biện pháp kiểm soát và phòng trừ đảm bảo loài dịch hại đó không xuất hiện trên đồng ruộng. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để giám sát vấn đề dịch hại.

2.5. Yêu cầu về sử dụng thuốc BVTV trong vùng trồng xuất khẩu:

– Vùng trồng phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng;

– Bộ thuốc sử dụng này phải được sự xác nhận của Chi cục Trồng trọt & BVTV địa phương.

2.6. Yêu cầu về hồ sơ xin cấp mã số:

2.6.1. Hồ sơ chuẩn bị tại vùng trồng:

– Quy trình sản xuất tại vùng trồng;

– Cam kết vùng trồng, cam kết tiêu thụ (đối với doanh nghiệp);

– Nhật ký canh tác.

2.6.2. Hồ sơ đăng ký mã số vùng:

(1) Đơn xin cấp mã số vùng trồng;

(2) Tờ khai kỹ thuật (Theo phụ lục A774/2022/BVTV);

(3) Cam kết thực hiện đúng tiêu chuẩn cơ sở;

(4) Nhật ký canh tác;

(5) Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).    

(Vân Anh tổng hợp)  

Danh mục: