Đối với canh tác nông nghiệp bền vững, việc đảm bảo được cấu trúc đất là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó cần loại bỏ sử dụng thuốc bảo bệ thực vật. Ngoài ra cần phải đảm bảo yếu tố sức khỏe con người và đặc biệt là tạo thu nhập ổn định cho người nông dân. Trước điều kiện đó, các hình thức canh tác như luân canh, xen canh và đa canh chính là giải pháp hiệu quả.
Nội dung bài viết
1. Các hình thức canh tác
Luân canh: là hình thức gieo trồng luân phiên các loại cây trồng khác nhau trên một đơn vị diện tích. Luân canh làm cho đất tăng độ phì nhiêu, điều hòa chất dinh dưỡng và giảm bệnh.
Xen canh: là hình thức canh tác hai hay nhiều loại cây trồng trên một đơn vị diện tích, cùng 1 lúc hoặc cách một thời gian không lâu để tận dụng diện tích, chất dinh dưỡng và ánh sáng.
Đa canh (trồng hỗn hợp): là một hình thức xen canh sử dụng nhiều loại cây trồng trên 1 đơn vị diện tích.
2. Vai trò của các hình thức canh tác
2.1 Luân canh
Luân canh cần được xem là bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra sự đa dạng thực vật cần thiết. Luân canh là việc trồng một chuỗi các loại cây khác nhau ở trong cùng thửa ruộng từ vụ này tiếp sau vụ kia.
Hệ thống luân canh có vai trò cực kỳ quan trọng và luôn được nhắc đến trong kỹ thuật canh tác hữu cơ. Như đã biết, canh tác hữu cơ rất chú trọng đến cấu trúc đất và hệ sinh thái môi trường đất. Đất có vai trò quan trọng đối với sự hấp thu dinh dưỡng của hệ rễ cây trồng. Môi trường đất khỏe giúp cho rễ cây phát triển và hấp thu dinh dưỡng tốt.
Việc trồng độc canh một loại cây trồng trên một đơn vị diện tích trong thời gian dài làm cho nguồn dinh dưỡng trong đất ngày càng cạn kiệt, cấu trúc đất ngày càng bị thoái hóa, dần dần cây trồng không thể hấp thu dinh dưỡng được.
Bằng biện pháp luân canh cây trồng giúp cho chất dinh dưỡng trong đất được điều hòa và cải thiện cấu trúc đất. Chính nhờ tác động cơ học vào đất làm cho tầng đất mặt ngày càng được cải thiện, làm cho đất thông thoáng, hệ vi sinh vật phát triển.
Trồng cây trồng độc canh làm cho dịch hại ngày càng thích nghi và phát triển, làm cho cây trồng bị hư hại. Luân canh chính là một giải pháp tốt cho việc này, bằng sự thay đổi cây trồng làm cho các loại dịch hại không kịp thích nghi và phá hoại cây trồng.
Ngoài ra, luân canh còn giúp ích cho việc quản lí cỏ dại, hiệu quả trong việc giảm thiểu thuốc trừ cỏ, duy trì sự an toàn với sức khỏe con người và môi trường. Việc trồng luân canh cây trồng cạn với cây trồng nước giúp làm mất sức nảy mầm của hạt cỏ, thay đổi môi trường sống làm cho cỏ dại không thích nghi được và chết dần.
2.2 Xen canh
Việc trồng các loại cây trồng xen canh nhau giúp tận dụng tốt nhất diện tích đất canh tác, dinh dưỡng và ánh sáng. Tùy thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng ta có thể xen canh thêm cây các loại cây trồng khác.
Ví dụ: xen canh rau màu trong giai đoạn cây công nghiệp dài ngày còn đang ở giai đoạn cây con. Lúc này, xen canh giúp tận dụng diện tích đất trống và các chất dinh dưỡng cũng như ánh sáng. Đây cũng là một biện pháp hiệu quả giúp cho người nông dân có thể nâng cao thu nhập.
Xen canh cũng có ý nghĩa trong việc phòng các loài côn trùng gây hại trên các loại rau màu. Ví dụ: trồng xen canh rau cải với các loại cây gia vị, bằng các mùi hương cũng như vị của nó, giúp xua đuổi bớt các loại côn trùng gây hại. Lợi ích này giúp ích trong việc giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật, đem lại hiệu quả trong canh tác hữu cơ.
2.3 Đa canh
Đa canh là trồng nhiều loại cây trồng trên một đơn vị diện tích. Áp dụng mô hình này rất có hiệu quả trong canh tác hữu cơ. Từ việc trồng nhiều loại cây trồng có thể tận dụng được tối đa và hiệu quả diện tích đất canh tác. Tùy thuộc vào đặc tính cây trồng mà xen canh phù hợp, từ đó làm tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đối với canh tác hữu cơ, việc đa dạng hóa cây trồng có ý nghĩa quan trọng, vì vậy trồng xen hỗn hợp là biện pháp khả thi.
Hình thức trồng đa canh sẽ tạo nên một lớp phủ thực vật giữ cho đất luôn được bao phủ giúp bảo vệ đất tránh khỏi tác động của tự nhiên như xói mòn, từ đó bảo vệ được cấu trúc đất trồng.
>> Đọc tiếp: Một số nguyên tắc khi trồng xen canh, đa canh