Thiết lập hàng rào sinh học cho vườn trồng là một trong những công việc quan trọng, cần thực hiện đối với những vườn canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên. Hàng rào sinh học giúp bảo vệ vườn trồng khỏi những tác động từ bên ngoài.

1. Hàng rào sinh học là gì?

Hàng rào sinh học là một rào chắn bảo vệ cho vườn được xây dựng bằng các loại cây trồng. Hàng rào sinh học nhằm ngăn cách vườn với khu vực xung quanh.

Hàng rào có thể được trồng bằng nhiều lớp cây. Ngoài bao quanh vườn, có thể làm hàng rào để ngăn cách các khu vực trồng cây trong vườn.

Với những vườn có diện tích rộng, hệ thống nước dồi dào, có thể thiết kế thêm đê bao, mương nước quanh vườn.

2. Những lợi ích của hàng rào sinh học

  • Ngăn chặn, bảo vệ vườn khỏi sự xâm nhập theo đường không khí của thuốc trừ sâu, trừ bệnh hóa học của những vườn xung quanh.
  • Bảo vệ vườn khỏi các loại côn trùng, nấm bệnh phát tán lây lan theo chiều gió.
  • Ngăn cản, xua đuổi côn trùng gây hại bên ngoài tấn công vào vườn.
  • Ngăn chặn sự lây nhiễm chéo dịch hại giữa các khu vực trong vườn.
  • Hàng rào chắn gió, giúp hạn chế đổ ngã cho cây trong vườn.
  • Hạn chế xói mòn, rửa trôi đất mặt do gió và mưa.
  • Hàng rào cung cấp một lượng sinh khối hữu cơ cho vườn.
  • Tăng cường đa dạng sinh học, thu hút thiên địch về vườn.
  • Ngăn chặn động vật vào phá hại vườn.
  • Cung cấp thêm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm.
  • Tăng thêm nguồn thu nhập phụ cho nhà vườn.
hàng rào sinh học mang đến nhiều lợi ích cho vườn

3. Những loại cây trồng có thể làm hàng rào cho vườn

Tùy vào mục đích mà nhà vườn lựa chọn loại cây để làm hàng rào sinh học. Tuy nhiên, nên ưu tiên các loại cây đa dụng, đa chức năng, có thể làm dược liệu hoặc làm thực phẩm để tăng thêm nguồn thu nhập phụ cho vườn.

tùy vào mục đích mà lựa chọn loại cây thích hợp để làm hàng rào sinh học

Dưới đây là một số loại cây mà nhà vườn có thể tham khảo để xây dựng hàng rào cho vườn:

  • Chắn gió: Muồng vàng, cúc tần, dã quỳ, muồng đen, keo dậu, bạch đàn, thích mộc lan, cỏ sả, cỏ voi, cỏ vetiver, ươi, tre, ô rô, duối, bồ đề,… Những loại cây này bao gồm tầng thấp, tầng trung, tầng cao.
  • Chống xói mòn: Cỏ vetiver, cỏ sả, cỏ voi, tre, gáo, dừa, bình bát, đế, cù đèn, trâm bầu, sung, lộc vừng, bần, đước, sậy, tra, cỏ zuri,… Những loại cây này bao gồm cả cây sống trên cạn và cây dưới nước.
  • Hàng rào cảnh quan: Dâm bụt, hoa giấy, chè tàu, dã quỳ, hoàng yến, bọ cạp hồng, muồng anh đào, hoàng nam, cây quỳnh anh, hoa phù dung, sử quân tử, đơn lá đỏ, bằng lăng, chuông vàng, hoàng đế, trúc quân tử, móng bò, ô môi, lim xẹp, tigon, đậu biếc, hoa lan tỏi,…
  • Chống trộm: Cây siro, bồ kết, hoa giấy, xương rồng, tô mộc, kim vàng, mâm xôi dại, cà gai leo,…
  • Cung cấp thực phẩm: Chùm ngây, chuối, riềng, sắn, sake, lêkima, mía, thơm,…

Hàng rào sinh học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên. Không chỉ bảo vệ vườn mà còn tạo môi trường, cảnh quan, tăng cường đa dạng sinh thái cho khu vực.

Mỗi vườn trồng nên xây dựng một hệ thống hàng rào sinh học với những loại cây trồng thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện tự nhiên của vườn.

Thông tin được nghiên cứu và ứng dụng

Hình ảnh từ Rơm Vàng farm

Tìm hiểu thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *