Phân chuồng là loại phân hữu cơ được sử dụng phổ biến. Với nhiều ưu điểm như giúp cải tạo đất trồng, cung cấp dinh dưỡng lại an toàn. Tuy nhiên không phải nhà vườn nào cũng đang sử dụng phân chuồng đúng cách. Trong bài viết này, WAO chia sẻ một số những lưu ý và cách sử dụng phân chuồng đúng. Mời các nhà vườn cùng đọc.
Nội dung bài viết
1. Phân chuồng và những đặc điểm của phân chuồng
Phân chuồng là một loại phân hữu cơ, nó được cấu thành từ hỗn hợp phân và nước tiểu của gia súc kết hợp cùng các chất độn khác trong chuồng cũng như thức ăn thừa của gia súc.
Sử dụng phân chuồng trong canh tác nông nghiệp là một biện pháp giúp xử lý nguồn phế thải gây ô nhiễm môi trường đồng thời giúp cải thiện tính chất đất trồng, nâng cao chất lượng nông sản.
Phân chuồng là loại phân hữu cơ phổ biến, mang đầy đủ các công dụng của phân hữu cơ như cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng, nuôi dưỡng hệ sinh vật đất, bảo vệ môi trường,…
Phân chuồng có chứa hầu hết các chất dinh dưỡng từ đa lượng, trung lượng đến vi lượng và cả các chất kích thích sinh trưởng khác. Trong đó, các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng thường chiếm phần nhiều và chủ yếu ở dạng dễ tiêu đối với cây trồng.
2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng phân chuồng
Loại gia súc: Mỗi loại gia súc sẽ có những đặc điểm dinh dưỡng khác nhau, do đó thành phần phân mà chúng bài tiết ra cũng khác nhau. Tình trạng sức khỏe, độ tuổi và cách thức nuôi dưỡng gia súc cũng ảnh hưởng đến chất lượng phân.
Chất độn chuồng: Các chất độn chuồng có tác dụng làm tăng khối lượng và chất lượng của phân. Vì khối lượng và khả năng hấp thụ của chất độn làm giảm việc mất đạm và các chất dinh dưỡng khác trong phân. Đồng thời giúp chuồng trại được vệ sinh hơn, giữ cho phân được tơi xốp, thoáng khí hơn để các vi sinh vật phân giải hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên nếu lượng chất độn quá nhiều sẽ khiến phân khó phân giải.
Phương pháp chế biến và bảo quản phân: Các phương pháp chế biến và bảo quản phân cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của phân chuồng.
3. Cách sử dụng phân chuồng đúng
Phân chuồng là loại phân hữu cơ rất tốt, tuy nhiên nó cũng mang một vài nhược điểm và người làm vườn cần lưu ý để có thể sử dụng phân chuồng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
- Trong phân chuồng tươi chưa qua xử lý có thể chứa các mầm bệnh, nấm khuẩn gây hại cho cây do đó phân chuồng cần được chế biến trước khi đưa ra sử dụng.
- Phân chuồng sau khi đã ủ hoai cần được bảo quản kỹ hoặc đưa ra sử dụng ngay, vùi vào đất trồng sớm để tránh làm mất đạm ở dạng dễ tiêu (tỉ lệ hao hụt khoảng 35-40%).
- Nên sử dụng phân chuồng ủ bán hoai mục (hoai mục một nửa) để bón, vừa có lợi về mặt cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa có lợi về mặt cải tạo đất. Vì loại phân này chứa nhiều đạm hơn và tác động đến việc hình thành kết cấu đất.
- Nên sử dụng phân chuồng được ủ hoai mục hoàn toàn cho các vườn ươm cây con, cây rau màu ngắn ngày hay ruộng mạ.
- Khi bón phân chuồng cho cây, dinh dưỡng kali thường được hấp thụ trước vì hàm lượng kali trong phân thường cao hơn và ở dạng cây dễ hấp thụ.
- Hiệu lực của phân chuồng khi sử dụng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như số lượng, chất lượng của phân, điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng nơi bón và đặc tính sinh học của cây trồng.
- Nên sử dụng phân chuồng và các trường hợp bón lót, bón sau thu hoạch và sau khi bón cần được che phủ bởi đất hoặc các vật liệu khác để tránh mất đạm (N).
Trên đây là một số lưu ý để sử dụng phân chuồng đạt hiệu quả cao nhất, hy vọng các nhà vườn nắm rõ để áp dụng tốt khi canh tác.
Đọc tiếp: