Sử dụng phân hữu cơ dạng nước mang đến hiệu quả vượt trội và nhiều tiện ích cho các nhà vườn. Vì vậy loại phân bón này ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Các loại phân hữu cơ dạng nước có thể được nhà vườn tự sản xuất hoặc mua sản phẩm có sẵn trên thị trường. Dưới đây là 6 loại phân hữu cơ dạng nước được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
1. Dung dịch phân chuồng ủ hoai
Phân chuồng ủ hoai mục là một trong những nguồn nguyên liệu chính để sản xuất phân hữu cơ nước.
Phân chuồng có chứa hầu hết các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng và các chất kích thích sinh trưởng khác. Trong đó, dinh dưỡng đa lượng thường chiếm phần nhiều và chủ yếu ở dạng dễ tiêu đối với cây trồng.
Các loại phân chuồng ủ hoai sau khi ngâm trong nước có thể sử dụng để tưới gốc cho cây trồng.
Dung dịch phân chuồng ủ hoai có thể sử dụng để bón thúc cây con, cây trong giai đoạn phát triển. Dùng để bón phục hồi cây sau thu hoạch.
2. Phân đạm hữu cơ dạng nước
– Phân đạm hữu cơ từ cá, trứng, đỗ tương, chùm ngây …
Các loại nguyên liệu như: cá, đậu tương đậu nành, ốc…trong thành phần của nó chứa hàm lượng đạm cao. Bên cạnh đó còn chứa các vitamin, khoáng chất thiết yếu khác cho cây trồng. Chúng thường được thủy phân hoặc ngâm ủ với IMO, Mevi hoặc các loại chế phẩm vi sinh chuyên phân giải hữu cơ. Sản phẩm từ quá trình ngâm ủ này sẽ cho ra nguồn phân đạm giàu dinh dưỡng và dễ dàng được cây trồng hấp thụ.
Các loại phân đạm hữu cơ dạng nước này không chỉ giúp cây phát triển tốt, cho năng suất cao mà còn giúp cải thiện hệ vi sinh vật đất.
Phân đạm hữu cơ dạng nước thường được sử dụng để tưới bón thúc cho cây ăn trái trong giai đoạn làm hoa, nuôi trái. Giúp trái lớn nhanh, tăng hương vị chất lượng nông sản. Tưới cho rau màu định kỳ 15 ngày/lần giúp rau lớn nhanh, lá xanh dày mướt. Có thể thay thế hoàn toàn đạm vô cơ.
Trên thị trường cũng có sẵn các sản phẩm đạm hữu cơ như: Dịch cá biển thủy phân, Amino Acid thủy phân từ tôm, cua, cá…
3. Phân kali hữu cơ dạng nước
– Phân kali hữu cơ dạng nước từ dịch chuối, dã quỳ, …
Trong thân cành lá của chuối, dã quỳ đều rất giàu kali. Chúng có khả năng hấp thụ được các loại kali khó tiêu trong đất và chuyến hóa nó thành dạng kali dễ tiêu. Và giữ lượng kali dễ hấp thu đó trong thân, cành lá của mình. Nhờ đó, phân bón được ủ từ cây dã quỳ, chuối sẽ là một nguồn kali hữu cơ dồi dào. Và đương nhiên cây trồng sẽ dễ dàng tiêu thụ lượng kali tự nhiên đó. Dã quỳ, chuối có thể được ngâm ủ với nước để tạo thành nguồn phân bón kali hữu cơ dạng nước để phun/tưới cho cây trồng.
Các nguồn phân kali hữu cơ thường được sử dụng vào các thời điểm như:
– Trước thời điểm bón phân:
Kali giúp tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ cây. Điều hòa các chất dinh dưỡng, tăng khả năng hút đạm và lân tốt hơn. Vì vậy phân kali thường được bón trước hoặc bón cùng thời điểm với các loại phân bón khác.
– Trước thời điểm làm hoa:
Kali giúp làm tăng quá trình phân hóa mầm hoa, giảm tỷ lệ rụng, tăng tỷ lệ đậu quả. Đối với các loại cây ăn quả, cây cần nhiều kali trong giai đoạn làm hoa, nuôi trái.
– Trước giai đoạn tạo ngọt cho quả:
Nên bón kali cho cây trước thời điểm thu hoạch từ 1-2 tháng để đẩy nhanh quá trình tăng tích lũy đường, vitamin trong quả. Giúp màu sắc quả đẹp hơn, hương vị quả thơm ngon hấp dẫn hơn, kéo dài thời gian bảo quản nông sản.
4. Phân lân hữu cơ dạng nước
Trong xương động vật, phân dơi, cỏ lào, cỏ xuyến chi… chứa rất nhiều photpho. Sử dụng các loại nguyên liệu này ngâm ủ sẽ cho ra nguồn phân giàu lân hữu cơ.
Thời điểm sử dụng
– Bón lót, bón giai đoạn tạo mầm, làm hoa:
Phân lân rất cần cho sự hình thành bộ phận mới của cây, kiến tạo nên hoạt chất hình thành mầm hoa, đẻ nhánh, phân cành, ra hoa, kết trái. Vì vậy cần bón phân lân cho cây trong giai đoạn chuẩn bị làm hoa, bón lót để chuẩn bị trồng cây con.
– Trước và trong thời điểm thời tiết bất lợi:
Phân lân ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường, bột tích lũy về hạt và các bộ phận của chất nguyên sinh. Giúp cây trồng chống nóng, chống lạnh. Bên cạnh đó còn tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi khác như hạn hán, sâu bệnh, úng,….
5. Dịch trùn quế
Dịch trùn quế là 1 trong những loại phân hữu cơ dạng nước phổ biến được sản xuất từ phân trùn quế. Phân dịch trùn quế chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cần thiết cho cây trồng. Dịch trùn quế sau khi tách chiết có thể được pha loãng với nước sử dụng để tưới gốc, phun lá, hoặc phun qua hệ thống tưới phun mưa.
Dịch trùn quế được sử dụng bón thúc qua lá cho cây trồng trong giai đoạn cây đang trưởng thành. Ngoài ra có thể sử dụng dịch trùn quế để tưới vào gốc cây và cải tạo đất.
6. Phân hữu cơ nước từ ủ rác hữu cơ
Phân hữu cơ dạng nước được sản xuất từ các loại rác thải hữu cơ, như rác nhà bếp, tàn dư xác bã thực vật. Sử dụng phân bón từ rác hữu cơ giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Đồng thời cung cấp các dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Loại phân này phù hợp với các vườn rau nhà phố, rau sân thượng. Tưới để bón thúc cây trong giai đoạn phát triển để thay thế các loại phân vô cơ.
Trên đây là 6 loại phân bón hữu cơ dạng nước phổ biến nhất hiện nay. Sử dụng các loại phân bón này đúng liều lượng, đúng thời điểm sẽ giúp gia tăng năng suất cây trồng và nâng cao chất lượng nông sản. Sử dụng phân hữu cơ dạng nước giúp tiết kiệm chi phí. Giảm ô nhiễm môi trường và góp phần cải tạo đất. Ưu tiên sử dụng các loại phân bón có thể tự sản xuất để giảm thiểu chi phí. Nếu phải mua các sản phẩm phân bón hữu cơ dạng nước trên thị trường nên ưu tiên của các đơn vị uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm.