Sức khỏe của đất là yếu tố quyết định sức khỏe và năng suất cây trồng. Vậy bạn có biết đất trồng của mình đang ở mức nào và có cần cải tạo đất hay không?
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu như thế nào là một nền đất tốt? Một nền đất tốt cần đảm bảo thoát nước tốt, giữ nước tốt, lưu trữ được nhiều dinh dưỡng và duy trì được độ ẩm ổn định. Một nền đất tốt giúp cây hấp thu được nhiều dinh dưỡng nhất khi bón phân. Giúp cây phát triển tốt, lá xanh mượt và cho năng suất cao.
Thực trạng hiện nay, việc sử dụng quá nhiều các loai phân bón vô cơ và các loại thuốc BVTV khiến cho đất ngày càng thoái hóa, chai cứng nặng. Dấu hiệu điển hình là cây bị vàng lá, thối rễ, nghẹt rễ tái đi tái lại nhiều lần. Cây suy yếu và cho năng suất kém qua từng vụ.
Vậy cần làm gì để cải tạo đất? Cần cập nhật 5 tư duy sau:
Nội dung bài viết
1, Để đa dạng các loại cỏ trong vườn giúp cải tạo đất
Bạn có biết rằng, mỗi loại cỏ có bộ rễ với độ dài và cấu trúc khác nhau. Mỗi sợi rễ bé nhỏ được ví như những mạch máu li ti, len lỏi trong lòng đất. Chúng có nhiệm vụ xuyên phá, làm thông thoáng tầng đất mặt, tạo ra các khe hở giúp không khí và nước dễ dàng lưu thông trong lòng đất. Điều đó hỗ trợ rễ cây thuận lợi hơn trong việc hô hấp và trao đổi, hấp thu chất dinh dưỡng. Đây chính là cách để cải tạo đất dễ làm và có chi phí thấp nhất.
2, Phát cỏ không sát gốc
Việc phát cỏ sát mặt đất ban đầu nhìn thì rất có lợi (sạch vườn và thời gian lâu mới phải phát lại).
Tuy nhiên, việc làm đó lại ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ của cây và đất. Cỏ là lớp che phủ rất tốt cho đất. Lớp bảo vệ đột ngột mất đi, đất dễ bị sốc do chịu tác động trực tiếp của nắng, mưa. Khi thời tiết hanh khô, không có cỏ khiến quá trình bốc hơi ẩm trong đất diễn ra càng nhanh chóng.
Ngoài ra, việc phát cỏ sát gốc vô tình làm thiệt mạng một số vi sinh vật đất. Chúng chết hoặc bị phá vỡ, đảo lộn môi trường sống đang ổn định.
Vì vậy, các bác phát cỏ nên phát ở ngưỡng cách gốc (mặt đất) khoảng từ 10-20 cm để vẫn duy trì được lớp che phủ, giữ ẩm cho đất sau khi cắt cỏ.
3, Nuôi dưỡng tốt hệ vi sinh vật để cải tạo đất
Việc nuôi dưỡng hệ vi sinh vật trong đất có ý nghĩa gì trong việc cải tạo đất? Những vi sinh vật nhỏ bé ấy góp phần cải tạo đất nhờ 2 quá trình sau:
Khi di chuyển, hoạt động, đường đi của chúng chính là những khe hở dẫn không khí và nước lưu thông trong lòng đất. Vì vậy, chúng được ví như những chiếc máy cày tí hon, hoạt động liên tục và miễn phí.
Thức ăn của vi sinh vật chính là các chất hữu cơ, như phân chuồng, tàn dư thực vật… Thông qua việc tiêu hóa thức ăn, chúng phân giải các chất hữu cơ như phân chuồng, tàn dư thực vật thành các dưỡng chất dễ tan, dễ hấp thụ cho cây trồng.
Thiếu vi sinh vật, quá trình chuyển hóa từ các chất hữu cơ thành các vi chất dinh dưỡng sẽ diễn ra rất chậm.
Một ví dụ điển hình, là những mảnh đất nào có nhiều giun đất thường sẽ tơi xốp hơn, cây phát triển tốt hơn so với những nơi đất cằn, ít giun đất. Các loài vi sinh vật đất khác cũng tương tự như vậy.
4, Bổ sung chất hữu cơ định kỳ
Để nuôi dưỡng tốt hệ vi sinh vật trong đất, thì chúng cần có thức ăn thường xuyên.
Các chất hữu cơ tốt nên bổ sung: cắt cỏ phủ lại, phân chuồng bán hoai mục, cành cây lá khô, tàn dư thực vật (vỏ lạc, cùi ngô…). Đó đều là những loại thức ăn yêu thích của các loài vi sinh vật.
Như vậy, nguồn hữu cơ bổ sung cho cây càng đa dạng thì các khoáng chất bổ sung cho cây càng phong phú và đầy đủ hơn.
5, Không sử dụng hóa chất đổ vào đất (đặc biệt là thuốc cỏ)
Nếu bạn đang cố gắng nuôi dưỡng hệ vi sinh vật trong đất, thì tuyệt đối không được tưới các loại hóa chất vào đất. Chúng sẽ chết, và việc phân giải hữu cơ, làm tơi xốp đất sẽ bị ngưng trệ. Gây hại trực tiếp cho đất, làm chai cứng, thoái hóa đất.
Trên đây là 5 tư duy cơ bản để cải tạo đất giúp cây trồng đạt năng suất cao. Nếu thấy nội dung là hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè của mình nhé. Hãy để lại vấn đề của mình ở mẫu form bên dưới để được hỗ trợ miễn phí.
Đọc thêm: 5 loại cỏ nên trồng giúp cải tạo đất hiệu quả.
Bạn muốn hiểu rõ hơn về cây trồng của mình để chăm sóc cây đúng. Bấm vào đây để xem chi tiết 👇